Nhập khẩu phần mềm chịu thuế nhà thầu như thế nào? Cách tính thuế nhà thầu dịch vụ phần mềm, bản quyền phần mềm khi nhập khẩu phần mềm từ công ty nước ngoài theo Thông tư 103/2014/TT-BTC. Bài viết này Dịch vụ kế toán CAF sẽ chia sẻ với các bạn về vấn đề này nhé.
Theo khoản 1 điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 quy định: “Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.”
Theo khoản 21 điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT: “Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”
Theo điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế GTGT 10%: “Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Theo khoản 3 điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 quy định về thuế nhà thầu:
“3. Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).
“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm”, “Quyền sở hữu công nghiệp”, “Chuyển giao công nghệ” quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Theo khoản 2 điều 11 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định Tỷ lệ % để tính thuế GTGT thuế nhà thầu cụ thể như sau:
“Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị -> Chịu thuế là 5 %”
Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).
Theo khoản 2 điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định Tỷ lệ % để tính thuế TNDN thuế nhà thầu cụ thể như sau:
“Thu nhập bản quyền -> Chịu thuế là 10 %”
“ Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm, thuê giàn khoan -> Chịu thuế là 5 %”
Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).
KẾT LUẬN:
– Khi thanh toán tiền mua phần mềm nhập khẩu (Bản quyền phần mềm) DN bạn phải khấu trừ, kê khai, nộp thuế nhà thầu theo tỷ lệ cụ thể như sau:
1. Thuế TNDN
Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN (X) tỷ lệ 10% trên doanh thu tính thuế TNDN.
2. Thuế GTGT
Không phải nộp thuế GTGT vì là đối tượng không chịu thuế.
– Khi thanh toán các khoản phí dịch vụ trong quá trình nhập khẩu phần mềm thì DN bạn phải khấu trừ, kê khai, nộp thuế nhà thầu theo tỷ lệ như sau:
Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT ( X ) Tỷ lệ là 5% trên doanh thu tính thuế GTGT
Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN ( X ) Tỷ lệ là 5% trên doanh thu tính thuế TNDN.
HỒ SƠ, CHỨNG TỪ HỢP LÝ GỒM:
– Hợp đồng kinh tế.
– Thư đề nghị thanh toán của Công ty nước ngoài (kèm hóa đơn phí dịch vụ)
– Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
– Hồ sơ, chứng từ khai và nộp thuế nhà thầu.
Kế toán CAF chúc các bạn thành công.